|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Đông Lỗ là vùng đất cổ nằm ở bên dòng sông Cầu, có con người đến định cư từ sớm. Trải qua thời gian, con người trên mảnh đất này đã dựng nên xóm làng trù phú. Con người Đông Lỗ cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất vì phải khắc phục khó khăn của thiên nhiên như “động mưa thì úng, động nắng thì hạn”. Trong đấu tranh chống ngoại xâm luôn kiên cường, mưu trí, dũng cảm để bảo vệ xóm làng. Truyền thống ấy càng được phát huy và toả sáng trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng kể từ khi có ánh sáng cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đường. Người dân mảnh đất này đã hoà vào dòng chảy cách mạng của Đảng.

Người dân xã Đông Lỗ sống hài hòa với thiên nhiên, từ cách thức làm nhà phải xem hướng để cầu “mưa thuận gió hòa” và tin vào các thần, thánh đã che chở, giúp đỡ để có một cuộc sống yên lành. Nhân dân tiếp thu giáo lý, đem hết công sức, tài năng ra xây dựng đình, chùa, nghè, miếu... Những hình thức tín ngưỡng, tôn giáo ở Đông Lỗ được kết hợp với các hoạt động văn hóa dân gian, qua đó xây dựng tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư.

Phật giáo được du nhập vào địa bàn xã từ khá sớm. Từ thời phong kiến, nhiều ngôi chùa đã được khởi dựng. Hằng năm, nhà chùa tổ chức các ngày lễ Phật theo nghi lễ truyền thống vào các kỳ: lễ Phật đản (15/4), lễ Phật thành đạo (15/12), lễ Vu lan và lễ cúng cô hồn, phổ độ chúng sinh (15/7).

Bên cạnh đạo Phật, tín ngưỡng dân gian của người dân Đông Lỗ rất đa dạng: thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Thành hoàng, thờ tổ nghề, thờ Mẫu, thờ Thổ công, Táo quân... Trong đó, thờ cúng tổ tiên là truyền thống đạo đức tốt đẹp và lâu đời, thường thờ ở các nhà thờ họ hay trong mỗi hộ gia đình. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở nơi tôn nghiêm nhất trong nhà, thường là ở giữa nhà (gọi là đạo nhà). Thông thường, người dân Đông Lỗ cúng gia tiên vào ngày giỗ của người đã khuất không quá 5 đời (trừ cụ tổ khai sáng dòng họ hay chi, phái... thờ cúng không giới hạn về đời), còn các cụ xa (từ đời thứ 6 trở đi) thường cúng chung vào rằm tháng Bảy và khi gia chủ có làm kỵ nhật ai đó hoặc tuần, rằm, mùng Một thắp hương đều khẩn cầu, thỉnh mời các cụ về hưởng lễ. Xưa kia, ngày giỗ tổ của một số dòng họ (nhất là họ có gia thế) được tổ chức nghi thức cầu kỳ, có cả mục tế tổ rất trang nghiêm; ngày nay không còn họ nào duy trì. Vào ngày giỗ, hậu duệ chỉ sắm lễ vật, hương, đèn, cúng các cụ và gia tiên, hết tuần hương thì xin các cụ cho hạ lễ, con cháu quây quần hưởng lộc.

Cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, các thôn trong xã đều thờ Thành hoàng, với ý nghĩa cai quản, che chở, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, khỏe mạnh. Việc thờ Thành hoàng cũng thể hiện truyền thống đạo đức của Nhân dân, tôn vinh công đức của vị thần đối với quê hương, đất nước. Những người đỗ đạt cao về quê thì trước nhất là bái Thành hoàng. Thành hoàng được thờ ở đình làng. Nghè làng là nơi hương khói và cất giữ đồ tế khí và các tài liệu liên quan đến việc phong tặng của triều đình, nghi thức thờ cúng, tế lễ, sự tích Thành hoàng... Dịp cúng tế Thành hoàng cơ bản diễn ra vào hai mùa xuân và thu “xuân thu nhị kỳ”, trùng với ngày sinh, ngày hóa thần. Vì người dân nơi đây hướng về đạo Phật có quan niệm “sinh gửi, thác về”, nên trọng ngày hóa (tức ngày giỗ) mà tổ chức thường trang trọng, linh đình hơn.

Tục thờ Mẫu có từ lâu đời nhưng phổ biến nhất là khoảng 30 năm trở lại đây. Hiện trong các ngôi chùa trên địa bàn xã đều có ban thờ Mẫu.

Việc thờ Thổ công, Táo quân, người dân ở Đông Lỗ quan niệm mỗi hộ gia đình đều có những vị thần riêng trong khuôn viên thửa đất đó là thần Thổ công, có vị thần chuyên chăm lo việc bếp núc, đèn lửa là Táo quân. Mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép về thiên đình trình báo một lần, cho nên để cầu mong một năm lúc nào bếp cũng đỏ lửa, thức ăn đủ đầy... các gia đình sắm lễ vật cúng Táo quân. Mâm cỗ cúng tùy theo mỗi gia đình nhưng không thể thiếu mấy bộ quần áo, mũ, hia, tiền vàng và con cá chép sống để làm lễ. Lễ xong hóa đồ vàng mã, cá chép đem phóng sinh để đưa Táo quân về trời.

Ngoài ra, ở Đông Lỗ còn có nhiều tiết lệ khác trong năm như: tết Nguyên đán, tết Thanh minh, tết Đoan Ngọ (05/5 âm lịch), tết cơm mới (10/10 âm lịch)... Những ngày này, mỗi gia đình thường sắm cỗ xôi, con gà, trầu cau, rượu, hoa quả, bánh kẹo... cúng gia tiên, Thần, Phật; riêng ngày 03/3 âm lịch làm bánh trôi, bánh chay; ngày 05/5 âm lịch ăn rượu nếp cái hoa vàng để diệt trừ sâu bọ...

Đông Lỗ xưa cũng gọi là Đông Lữ, vừa là tên xã, vừa là tên tổng. Tổng Đông Lỗ có 6 xã, trong đó, Đông Lỗ, Lỗ Hạnh và Vân Cẩm nằm trong vùng Đông Lữ - vùng văn hóa tiêu biểu của huyện Hiệp Hòa. Đông Lữ có hội lệ lớn rất nổi tiếng. Lễ hội này diễn ra trên mảnh đất mang tên xã, tên tổng xưa nên người xa, gần đi chợ Lữ đến Đông Lữ đều gọi chung hội lệ đó là hội Đông Lỗ.

Từ xa xưa, dân vùng Đông Lỗ có tín ngưỡng tôn thờ Đức Thánh Cao Sơn và Phương Dung Công chúa. Theo thần tích và truyền tích của dân làng thì Cao Sơn là Bộ tướng của Hùng Vương, có công giúp vua đánh giặc. Trong những lần đi dẹp giặc, Cao Sơn đã từng đóng quân ở Đông Lỗ. Ở đây, Phương Dung Công chúa đã báo mộng giúp Cao Sơn dẹp giặc thành công. Bởi thế, vua cho phép dân làng lập đình, đền thờ cúng hai vị. Đức Thánh Cao Sơn ngự ở cung đình, Phương Dung Công chúa thờ ở nghè chợ Lữ. Hằng năm, vào ngày 10 tháng Giêng, dân mở hội truyền thống rước anh linh Phương Dung Công chúa về đình Lỗ Hạnh để được chung hưởng cuộc tế lễ, tuần du địa vực. Từ mùng 8 tháng Giêng, ở Đông Lỗ, dân làng đã rộn ràng chuẩn bị cho ngày chính hội. Hội kéo dài đến ngày 15, 16 tháng Giêng. Trong những ngày hội, bô lão, thành viên trong các giáp thay nhau ứng trực, nghênh rước thánh giá và đón, đưa khách thập phương đến dự.

Theo thể lệ, vào ngày chính hội, dân rước ngai và tượng Phương Dung Công chúa từ nghè chợ Lữ về đình để cùng phối tế với Đức Thánh Cao Sơn. Từ ngày thứ hai, tức là ngày 11 trở đi sẽ rước qua mỗi thôn một ngày để nhà thánh tuần du làng, xã và cũng là để cho dân thôn chiêm ngưỡng Đức chúa Bà. Đến ngày 17 thì tổ chức rước chúa Bà hoàn cung, an vị. Trong những ngày ấy, đêm nào cũng có hát ca trù (còn gọi là hát nhà tơ) ngay tại đình Lỗ Hạnh. Ban ngày, làng tổ chức các trò vui như: bịt mắt bắt dê, vật, chọi gà, múa võ, múa bông….

Để cho buổi rước được diễn ra tốt đẹp, dân làng Đông Lỗ chọn trong đám trai tân những thanh niên khỏe mạnh, không có tang bụi vào đội rước. Đó cũng là một vinh dự cho những trai tân vì có dịp lịch lãm, oai phong với dân làng và nhất là với những cô gái trẻ chưa chồng. Các chàng trai này được làng cho mặc một bộ quần áo nâu màu đỏ, thắt khăn đen nhánh, lưng có bao tượng màu đỏ, chân quấn xà cạp. Các cụ trong đội tế (chủ tế, bồi tế) đầu đội mũ bình thiên, mặc áo thụng, chân đi hia; còn các quan viên làng xã thì mặc áo the, khăn xếp, đi guốc, đi dép, cắp ô... xếp hàng theo kiệu.

Lễ rước được bắt đầu vào sáng mùng 10 tháng Giêng, đi đầu có viên cờ sai cầm cờ đuôi nheo thắt lưng đỏ chạy lên rước hành tiến. Tiếp theo là đội dẹp chạy xuống dẫn đoàn đường và đội cờ ngũ hành, trống, chiêng, bát biểu, hương án rồi đến kiệu Bà. Đi sau kiệu là các quan viên và dân làng. Đoàn rước đi qua làng Khoát rồi tiến về sân đình Lỗ Hạnh. Lúc này, dân trong làng, ngoài xã đã tề tựu xung quanh đình làng, chờ đón kiệu Bà. Khi kiệu đến đình, làng tổ chức tế lễ Đức Thánh Cao Sơn và Công chúa Phương Dung.

Vào các buổi chiều, theo lệ, các thôn tổ chức rước cỗ thờ vào lễ ở đình, thôn nào có quan đám thì được rước vào trước, sau đó cứ mỗi chiều một thôn lần lượt rước cỗ thờ vào lễ cho đến khi hết thì thôi.

Ban đêm, trong các ngày hội ở đình có tổ chức hát nhà tơ. Các cụ quan đám được cử ra cầm chầu, có 5 trống chầu do 5 quan viên đảm nhận. Trống chầu đặt ở dưới bục lễ, khi nào có hồi trống nổi lên thì một cụ tiên chỉ hay quan viên cầm chầu lên làm lễ thánh cho buổi lễ bắt đầu. Diễn viên của các gánh hát sẽ phải hát diễn ở gian giữa đình. Ngoài việc thuộc các nội dung hát múa để biểu diễn, họ còn phải thuộc các chữ húy, kỵ nhà thánh, do dân làng quy định. Trong khi hát, nếu ai hát hay thì các quan viên cầm chầu đánh trống báo thưởng, nếu dở hoặc phạm kỵ, húy thì đánh tang trống báo phạt. Số tiền thưởng hoặc phạt sẽ theo số tùng - cắc mà tính. Nếu phạm húy nặng thì cả gánh hát sẽ bị trục xuất. Điều này chứng tỏ yêu cầu nghe hát của người dân nơi đây rất cao, đòi hỏi các gánh hát phải thành thục mới biểu diễn đúng cách được.

Từ ngày nghè chợ Lữ bị phá bỏ, dân làng đã đưa ngai và tượng Phương Dung Công chúa về cung đình phối thờ cùng Đức Thánh Cao Sơn, từ đó hội lệ của Đông Lỗ ít khi được mở nữa. Đến năm 1990, trong dịp lễ đón bằng Di tích lịch sử - văn hóa đình Lỗ Hạnh thì hội được tổ chức nhưng quy mô và thời gian ngắn hơn, chỉ quy về ngày chính lệ. Địa điểm trao nhận bằng cũng là địa điểm tập kết rước kiệu ra đó, rồi từ đó lại rước về đình... Các hoạt động vui chơi được tổ chức như: bóng đá, bóng chuyền, nhảy cao, nhảy xa... Những năm sau đó, lễ hội tiếp tục duy trì nhưng quy mô nhỏ, chỉ xung quanh khu vực đình thuộc làng Lỗ Hạnh và làng Khoát. Dân làng có đón đoàn võ thuật về biểu diễn.

Những năm gần đây, lễ hội Đông Lỗ không kéo dài như xưa và có thay đổi ít nhiều về nội dung nhưng vẫn thu hút được sự chú ý của khách thập phương bởi những nghi thức, nghi lễ, tập tục truyền thống của lễ hội này vẫn đậm nét đồng thời, hội cũng được bổ sung thêm nhiều nội dung và hình thức của nếp sống văn hóa mới tốt đẹp hơn nên tiếng vang của nó vẫn lan truyền đi xa.

Trong đời sống tinh thần của người dân xã Đông Lỗ, hồn nhân là chuyện hệ trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Thời phong kiến quan niệm, mục đích hôn nhân để duy trì gia thống cho nên việc hôn nhân là việc chung của gia tộc chứ không phải việc riêng của con cái. Bởi vậy, định chồng cho con là quyền quyết định của cha mẹ. Cha mẹ quyền “đặt đâu con ngồi đấy”, cốt tìm được nơi “môn đẳng hộ đối”. Việc cưới hỏi phải có người làm mai mối. Các cuộc hôn nhân thường diễn ra trong làng, các dòng họ gả bán với nhau. Điều này góp phần gắn kết các dòng họ trong làng. Các gia đình cũng muốn gả con gần vì họ nắm bắt được gia cảnh của thông gia, con gần sẽ dễ nhờ vả khi có việc, khi bố mẹ ốm đau. Tuy vậy, cũng không phải không có những cuộc hôn nhân ngoài làng. Với thức mạnh mẽ về dòng họ, các cuộc hôn nhân trong dòng họ (theo họ nội) bị cấm đến đời. Ngay cả việc hai người cùng tên họ chứ không chung tổ tiên là điều kiêng kỵ.

Người dân ở Đông Lỗ trước đây quan niệm khá nặng về sự “môn đăng hộ đối”. Đó là sự đăng đối giữa gia đình nhà trai, nhà gái về tài sản, uy quyền, danh vọng, chức tước... Bên cạnh đó còn có quan niệm “lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”. Trong thực tế quan niệm này bao gồm những tiêu chuẩn có tính chất đạo đức trong xã hội. Nó đòi hỏi chàng trai, cô gái phải là người chăm chỉ, đảm đang, biết cách cư xử. Những gia đình chỉ sinh con một bề thì thường chọn người con trai hiền lành, khỏe mạnh, chăm chỉ đến ở rể. Trong trường hợp người con trai ở rể, nhà gái thường phải lo mọi khoản cưới xin, xây dựng cho chàng rể để làm chốn nương tựa lúc về già, hương khói khi nằm xuống. Cưới xong, chàng trai đến ở nhà vợ như một thành viên trong gia đình và sau khi cha mẹ vợ mất đi thì người con rể sẽ là chủ gia đình ấy.

Các làng ở Đông Lỗ xưa đều có lệ nộp cheo. Việc nộp cheo được tiến hành một năm đầu tiên khi hai gia đình có ý định kết làm thông gia. Sau khi nộp cheo, chàng trai ấy mới được làng công nhận là giai tế của làng và cuộc hôn nhân ấy mới được coi là hợp lệ.

Các cuộc hôn nhân thường được quyết định và tổ chức vào mùa thu và mùa xuân, khi mùa vụ nông nhàn, thời tiết tươi đẹp. Khi hai người đã có ý với nhau và được hai gia đình đồng ý thì các bước để tiến tới hôn nhân được tiến hành. Xưa kia, ở Đông Lỗ, trai gái thường lấy vợ, lấy chồng rất sớm. Con gái 12, 13 tuổi, con trai 15, 16 tuổi đã được cha mẹ dựng vợ gả chồng để lấy người làm.

Để tiến hành lễ cưới, hai gia đình phải thực hiện rất nhiều lễ nghi. Đối với những gia đình giàu có, khá giả thường phải trải qua các bước: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ xin cưới và lễ cưới.

Trong lễ xin cưới, nhà trai phải mang thịt lợn, rượu và trầu cau đến nhà gái để xem họ thách những gì và hai bên cùng thỏa thuận. Tất cả những lễ vật này phải đưa trước hôm cưới. Sau đó, nhà trai mới đi xem ngày, giờ để lo việc cưới.

Ngày tổ chức lễ cưới, nhà gái mời trưởng họ đến cùng gia đình lo liệu. Hôm đó, trưởng họ tổ chức đóng cổng và cho trẻ con chăng dây dọc đường. Gia đình nhà trai muốn đi qua phải cho tiền lũ trẻ và biểu tiền cho trưởng họ. Nếu không cho tiền, là trẻ sẽ cắt đứt dây chăng thì đó là điều tối kỵ. Người ta cho rằng, điều này sẽ là sự xui xẻo, cuộc sống vợ chồng không được may mắn.

Từ những năm 60, 70 của thế kỷ XX đến nay, ở Đông Lỗ, trai gái được tự do tìm hiểu. Sau khi đã thấy ưng ý, họ sẽ về báo cáo gia đình, thủ tục cưới xin lúc này thường qua các bước đi cau, xin cưới, lễ cưới và lại mặt.

Trong ngày cưới, theo phong tục, các gia đình thường tổ chức đón dâu theo giờ rất cẩn thận. Khi đón dâu phải có những người cao tuổi trong nội tộc của chú rể như chú, bác đi cùng. Đến nhà gái, đại diện họ nhà trai được mời vào trong nhà nói chuyện và xin phép nhà gái để đón dâu về. Ngày cưới, mọi người đều ăn mặc đẹp, bà con làng xóm đến chia vui, ai có gì cho nấy. Nhà trai thắp hương trên bàn thờ thông báo với tổ tiên việc vui trong gia đình. Đoàn đón dâu ngoài chú rể và ông chủ hôn nhà trai còn có vài cụ cao tuổi trong dòng họ và thanh niên là bạn bè của chú rể. Trên đường sang nhà gái vẫn có lệ chăng dây đóng cổng. Nhà gái cử một người dẫn chú rể đi giới thiệu với từng người trong họ. Sau một thời gian ngắn (khoảng 30 phút), ông chủ hôn nhà trai có lời xin phép nhà gái cho được đón dâu về. Đại diện nhà gái đồng tình và cho phép chú rể được vào đón cô dâu. Sau đó, bố mẹ cô dâu chúc hai người hạnh phúc và trao cho con rể một số tiền để làm vốn làm ăn. Kết thúc nghi lễ ở nhà gái, nhà trai xin phép ra về. Trên đường về cũng có lệ chăng dây, người dân nơi đây quan niệm càng nhiều dây chăng thì đôi vợ chồng càng hạnh phúc. Về đến nhà trai, chú rể đưa cô dâu đi chào mọi người trong gia đình và dòng họ. Hai người thắp hương trước bàn thờ và mời họ hàng đến nhận con dâu, cháu dầu. Nhà trai chọn một bà đông con, khỏe mạnh để trải chiếu trong buồng cưới rồi đưa cô dâu nhập phòng. Kết thúc hôn lễ, bố mẹ chồng cũng cho con dâu một số tiền để làm vốn. Làng xóm có đến mừng đám cưới cũng chỉ mừng tiền cho nhà trai chứ không có lệ mừng tiền cho nhà gái.

Lễ lại mặt: Sau khi đón dâu về nhà trai, ngay ngày hôm sau sẽ tổ chức lại mặt. Lúc ấy, hai vợ chồng trẻ sẽ cùng nhau quay về nhà bố mẹ vợ ăn một bữa cơm thân mật. Sau đám cưới, con gái vẫn thường về thăm nhà. Khi lễ, tết, có việc, hai bèn thông gia thường qua lại giúp đỡ nhau.

Ngày nay, lễ cưới được tổ chức gọn nhẹ, đơn giản hơn trước, hai bên gia đình quan tâm và tôn trọng ý kiến của đôi trai gái. Trong việc cưới lược bớt các tục lệ rườm rà và phát sinh những tục lệ mới phù hợp với nhịp sống của xã hội hiện đại.

Tục tang ma: Trước đây, trong các gia đình ở Đông Lỗ khi có người qua đời, con trai cả sẽ đi mời thầy về xem giờ tốt, xấu cho người quá cố. Nếu người chết vào giờ nặng, thầy sẽ phải làm lễ phục hồi để tránh rủi ro cho con cháu và những người thân trong gia tộc. Khi người ốm tắt thở, người nhà lau người và thay quần áo mới cho người chết rồi nằm trên giường ở gian ngoài, đầu quay vào vách nhà, ngang bàn thờ tổ tiên. Người con trai cả có nhiệm vụ đi báo cho mõ biết để mõ đi rao, báo cho dân làng và mời phường bát âm.

Sau khi gia đình đã nhờ thầy xem được giờ khâm liệm cho người chết, thầy cúng sẽ đến nhà tang chủ làm lễ khâm liệm và lễ tổng thần. Khi khâm liệm có lễ phạm hàm:

người ta đặt một đồng tiền xu và một nhúm gạo vào miệng người chết. Sau lễ khâm liệm là lễ thiết linh: đặt bàn thờ cho người chết. Tiếp đến là lễ thành phục (phát tang), phát khăn tang cho con cháu trong nhà và họ hàng, sau đó tổ chức phúng viếng. Con trai, con gái, con dâu đều mặc áo tang bằng vải xô trắng, thắt lưng dậy chuối. Sau khi phát tang, con cháu quây quần bên linh cữu. Người ta đốt đuốc đi vòng quanh quan tài và lấy dao chém nhẹ vào quan tài đế xua đuổi ma tà. Nếu người chết thuộc gia đình khá giá, quan tài được quàn trong nhà từ 2 - 3 ngày. Trong khi quan tài còn quân ở trong nhà, con dâu trưởng phải vừa khóc, vừa đơm cơm cúng cha mẹ. Sau đó, con trai đứng bên trái, con gái đứng bên phải người chết hú hồn, cho hồn người chết về nhập vào xác Trước đây, trong vùng chủ yếu là nhà lợp gianh, lợp ngói nên gia đình phải chọc thủng một lỗ nhỏ trên mái để lấy chỗ cho hồn bay về. Đàn ông thì gọi vía 7 lần, đàn bà thì gọi vía 9 lần. Hàng xóm láng giềng lần lượt sang viếng, thắp hương từ biệt. Riêng nhà thông gia phải có cỗ xôi, con gà. Nếu người chết là người có chức sắc thì sẽ được quan viên hàng xã đến tế, sau đó đến dân thôn tế (ngu tế). Thường mỗi đám tang được kéo dài 2 ngày kể từ khi phát tang.

Khi đưa quan tài ra khỏi nhà, con cháu phải bắc cầu lăn đường từ nhà ra cổng. Nếu người chết mất vào mùa hè, người ta phải tính toán cẩn thận để những người đưa tang khỏi bị nắng vì việc đưa tang rất chậm chạp. Có những gia đình nhiều ruộng, họ không muốn đi sang đám ruộng của người khác nên phải đưa tang từ lúc nửa đêm. Khi đưa linh cữu đi, nếu người chết là cha thì con trai phải chống gậy tre đi sau quan tài; nếu người chết là mẹ thì chống gậy vông đi giật lùi trước quan tài.

Khoảng từ hơn 20 năm trở lại đây, khi gia đình có người qua đời, con cháu chỉ đến để báo với chính quyền thôn, chính quyền thôn sẽ có trách nhiệm thông báo trên loa cho các đoàn thể cùng lo liệu. Theo quan niệm hiện nay, việc tang không chỉ là việc riêng của gia đình mà còn là việc chung của cả cộng đồng thôn, làng. Tất cả mọi thành viên trong thôn đều có trách nhiệm thăm viếng, giúp đỡ. Trong việc tang lễ có chính quyền đến đọc tiểu sử, lời tiễn biệt một người con của làng đi về cõi vĩnh hằng. Nghi lễ tang ma cũng ngày càng giảm nhẹ hơn so với trước. Các thủ tục lạc hậu bị loại bỏ, tránh lãng phí không cần thiết cho người dân.

Hiện nay, ở Đông Lỗ không còn tục lệ đội mũ rơm, chống gậy, lăn đường như trước. Với những đám tang của người già, con cháu thường nhờ thợ kèn khóc hộ. Các con trai, gái, dâu, rể để tang cha mẹ như nhau. Sau lễ đưa tang, gia đình tang chủ làm các tiết lệ tuần đầu, thất cửu, giỗ đầu, giỗ hết và cải táng (). Sau khi sang cát, chỉ đến ngày giỗ gia đình mới làm vài mâm cơm mời những người thân trong gia đình; các ngày lễ, tết chỉ hương hoa bình thường./.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 4,725
Tổng số trong ngày: 92
Tổng số trong tuần: 91
Tổng số trong tháng: 3,700
Tổng số trong năm: 17,863
Tổng số truy cập: 36,917