|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

+ Đình Đông Lỗ còn có tên gọi là đình Lỗ Hạnh, thuộc làng Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa. Đây là ngôi đình cổ có niên hiệu sớm nhất vùng Kinh Bắc xưa- Bắc Giang ngày nay. Đình được khởi dựng thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVI (1576) đã được các triều đại phong kiến ban nhiều sắc phong và lưu truyền với danh xưng là "Đệ nhất Kinh Bắc". Hiện đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: Hai bức tranh sơn mài “Bát tiên” ở gian giữa trước cửa hậu cung; đôi nghè gỗ sơn son thếp vàng từ thế kỷ 17; tượng Phương Dung Tiên Chúa cùng bài vị Cao Sơn Đại Vương.... Đáng chú ý là bức chạm tiên gảy đàn đáy đã minh chứng cho sự ra đời và phát triển sớm của ca trù ở vùng đất này. 

Lúc đầu Đình chỉ là một nhà tòa, nay qua nhiều lần tu sửa, đình được xây thêm hậu cung và hai dãy tả, hữu. Ngày 24-12-1982, đình Lỗ Hạnh đã được Bộ Văn hóa (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Hoa văn chạm khắc đình Lỗ Hạnh được xem là rất đặc sắc, hiếm nơi có được. Đầu dư chạm rồng như chui từ cột ra. Theo các nhà nghiên cứu, đây là dấu ấn rồng thời Mạc. Các con vật khác như ly, quy, phượng, hươu, cá... rất sống động như tự nhiên. Những bức tranh trúc hóa long, long hóa trúc, rồng hóa mây, mây hóa rồng, cá hóa rồng, rồng hóa cá… hàm chứa tính huyền thoại, đòi hỏi trí tưởng tượng cao cùng với nghệ thuật khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân chạm khắc dân gian xưa…

Trong các tác phẩm phù điêu và tranh sơn mài, các nghệ nhân bố cục rất hợp lý giữa các đề tài vào những vị trí thích hợp trong nội thất ngôi đình. Những hình tượng rồng trong mây, tiên cưỡi rồng, tiên cưỡi phượng, các thiếu nữ múa râu rồng… mang đậm phong cách của nghệ thuật dân gian là sự bứt phá trong tư tưởng và nghệ thuật ở thế kỷ XVI một cách tinh tế. Thể hiện cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của người dân nơi làng quê thôn dã và ước vọng vươn tới "Chân- Thiện- Mỹ".

Đặc biệt, bộ tranh "Bát tiên" với 8 nàng tiên đứng trên mây tỏa, mỗi cô mang một thứ nhạc cụ sáo, nhị, đàn tỳ bà, đàn nguyệt. Dáng điệu các cô đứng tự nhiên, thanh thoát. Mặt trái xoan hơi quay nghiêng, mắt lá răm, mũi thanh, môi chúm chím. Tách từng cô một cũng thành bức tranh. Để nguyên bốn cô một bên, trông nhịp nhàng như một ban nhạc đang tấu thờ Thánh. Bộ tố nữ tám nàng này không chỉ vẽ bằng mấy màu sơn mỹ nghệ truyền thống như: Son, vàng, then.... mà còn dùng thêm các màu sơn xanh, xanh đen, tím, trắng, trắng hồng.... đầy chất hội họa.

 

 

Toàn cảnh Đình Lỗ Hạnh.

        + Chùa Chúng là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của nhân dân Chúng, chùa xây dựng từ lâu và được trùng tu, tôn tạo vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ thứ XVII- XVIIỊ) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) nhưng vẫn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật cổ có giá trị nghiên cứu về lịch sử- nghệ thuật.

    Chùa còn một số pho tượng thời Nguyễn (giữa thế kỷ XIX) tạo tác đẹp, có giá trị nghiên cứu về nghệ thuật như các pho: Phạm Thiên, Đế Thích, Tam Thế Phật, Thánh Tăng... Cây hương đá được dựng vào năm Đinh Sửu triều vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hoà (1697), là cứ liệu lịch sử chân thật, bằng chứng về sự tồn tại của một ngôi chùa trên quê hương Đông Lỗ cổ kính, những tài liệu, hiện vật này đã góp phần khẳng định những giá trị của di tích.

 Chùa Chúng là trung tâm sinh hoạt văn hoá tôn giáo của nhân dân địa phương. Hàng năm, vào ngày 21 tháng Giêng âm lịch, dân làng mở hội lớn, thu hút đông đảo khách thập phương nhiều nơi về dự hội, cầu mong sự no ấm, thanh bình cho nhân dân. Gìn giữ và phát huy những giá trị tinh thần to lớn cho thế hệ sau.

    Căn cứ vào những giá trị nêu trên; căn cứ Luật di sản văn hoá năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 theo tiêu chí xếp hạng di tích, chúng tôi xác định di tích chùa Chúng thuộc loại hình di tích: Lịch sử - Văn hoá.

+ Đình, chùa Hưng Đạo được xây dựng từ lâu đời đến nay còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Khu di tích được xây dựng ở liền kề nhau trong một quần thể khuôn viên rộng đẹp. Đình Hưng Đạo hiện còn lưu giữ được ngai thờ, bài vị, một bát hương đá cổ thời Nguyễn (thế kỷ XIX), bức hoành phi thời Nguyễn (thế kỷ XIX) và nhiều đồ thờ tự khác có giá trị nghiên cứu khoa học. Đình thờ thần Cao Sơn, Quý Minh đã có nhiều công lao với dân với nước.

Chùa Hưng Đạo còn bảo lưu được bộ khung liên kết vì mái truyền thống, trên các cấu kiện kiến trúc còn bảo lưu được một số mảng chạm khắc có giá trị nghệ thuật. Trong chùa còn lưu giữ được hệ thống tượng Phật trong đó có nhiều pho tượng cổ có giá trị như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát.... Bộ khung liên kết vì mái chùa còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc cổ xưa của thời Nguyễn (thế kỷ XX) có giá trị nghiên cứu khoa học. Trên các cấu kiện kiến trúc đặc biệt là các bức cốn mê ở vì nách chạm khắc đẹp các đề tài tứ linh, tứ quý có giá trị nghệ thuật. Chùa Hưng Đạo còn lưu giữ được cây hương đá thời Lễ, dựng năm 1725 có nội dung ghi về việc công đức dựng cây thiên đài. Hai tấm bia hậu dựng năm 1882 và 1916. Nguồn tư liệu Hán Nôm ở chùa còn khá phong phú trên văn bia, hoành phi, câu đối...đây là những tư liệu lịch sử (quý giá giúp cho việc nghiên cứu khoa học về di tích cũng như lịch sử văn hóa truyền thống của địa phương.

Đình, chùa Hưng Đạo là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hội lệ hàng năm tổ chức ngày 12 tháng Giêng và ngày 16 tháng 8 âm lịch với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 28 điểm a khoản 1 Điều 29 của Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009. Xét về giá trị và loại hình di tích, đình chùa Hưng Đạo thuộc loại hình: Di tích lịch sử - Văn hóa.

+ Đình Vân Cẩm  là công trình văn hóa tín ngưỡng được xây dựng từ lâu đời và đã được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Ngôi đình hiện nay còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngôi đình là nơi thờ Thành Hoàng làng, những người có nhiều công lao với dân với nước. Người được thờ ở đình là thần Cao Sơn, Quý Minh. Trong đình còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa như 9 đạo sắc phong cổ được ban tặng sắc từ thời vua Quang Trung Nguyễn Văn Huệ niên hiệu thứ 5 (1792) đến các thời vua Nguyễn sau này. Ngoài ra còn các hiện vật khác như ngai thờ, bài vị cổ (thế kỷ XIX), hương án, bát hương, đài thờ, nậm rượu cổ thời Nguyễn (thế kỷ XIX) và nhiều đồ thờ tự khác có giá trị.

Đình Vân Cẩm  là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hội lệ hàng năm được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng và ngày 16 tháng Tám âm lịch với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 28 điểm a khoản 1 Điều 29 cùa Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi năm 2009. Xét về giá trị và loại hình di tích, đình Vân Cẩm  thuộc loại hình: Di tích Lịch sử - Văn hoá.

+ Chùa Vân Cẩm là công trình văn hóa tôn giáo cổ được xây dựng từ lâu đời và đã được tu sửa qua nhiều giai đoạn nhưng còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Ngôi chùa còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc cổ ở tòa tam bảo. Bộ khung vì mái được liên kết bằng hệ thống cột gỗ lim và nhóm gỗ khác. Các cấu kiện kiến trúc được chạm khắc nhẹ các đề tài hoa lá mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX) và còn đượm màu thời gian cổ kính.

Trong chùa còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như: Hệ thống tượng Phật trong đó phần lớn là những pho tượng cổ mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Hệ thống bia đá, cây hương đá khắc ghi về việc công đức tu sửa xây dựng chùa thời Lê năm 1704, 1706, 1784 và thời Nguyễn năm 1915. Các đồ thờ bằng gỗ, hệ thống bát hương gốm cổ vàng nâu thế kỷ XIX cùng nhiều tài liệu, hiện vật khác có giá trị nghiên cứu khoa học.

  Chùa Vân Cẩm là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Lễ hội hằng năm được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng cùng với lễ hội đình, không gian lễ hội rộng với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 28 điểm a khoản 1 Điều 29 của Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009. Xét về giá trị và loại hình di tích, chùa Vân Cẩm thuộc loại hình: Di tích Lịch sử - Văn hoá.

+ Lăng Vân Cẩm là công trình văn hoá tín ngưỡng cổ được xây dựng từ lâu đời để thờ phụng ông Nguyễn Hạnh Thông. Đã qua hơn 200 năm nhưng lăng Vân cẩm vẫn còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc văn hóa cổ được thể hiện trên các mặt sau; Phần cổng lăng và phần tường bao xung quanh còn gần như nguyên vẹn nét kiên trúc cổ, các tổ hợp kiến trúc này hoàn toàn được xây cất bằng đá ong cổ. Trong khu lăng còn nhiều các đổ thờ, di vật bằng đá có giá trị lịch sử và nghệ thuật như: hai chó đá đứng canh cổng lăng, hương án đá,bốn tượng vũ sỹ đứng hai bên tường hồi của nhà đại bái, đặc biệt còn lưu giữ được một tấm bia đá tròn có giá trị về mỹ nhân và giá trị lịch sử.

Cách bài trí cùng nghệ thuật chạm khắc đá trôn các con giống các hiện vật ít khu lăng rất độc đáo có nét văn hoá đặc trưng tiêu biểu của một thời đại, thời hậu Lê. Toàn bộ công trình, các con giống, tượng người, đồ thờ tự... được bài trí hài hoà, cân đối theo một trục đối xứng chạy từ ngoài vào trong, nhìn tổng thể khu lăng giống như một bảo tàng đá ngoài trời.

Lăng Vân cẩm còn là nơi thờ phụng, nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng không chỉ của phạm vi gia tộc họ Nguyễn mà còn của cả nhân dân thôn, xã nơi đây từ bao đời nay. Hàng năm vào các ngày tuần rằm và ngày 24 tháng Chạp gia tộc họ Nguyễn và nhân dân thôn xã nơi đây đều làm lễ thờ Nguyễn Hạnh Thông để tỏ lòng biết ơn đối với người đã có công với dân làng, với đất nước.

Căn cứ vào hiện trạng di tích, các tài liệu, hiện vật còn bảo lưu được trong di tích như đã nêu trên, xét về giá trị và loại hình di tích, lăng Vân Cẩm thuộc loại hình: Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6,119
Tổng số trong ngày: 86
Tổng số trong tuần: 85
Tổng số trong tháng: 3,694
Tổng số trong năm: 17,857
Tổng số truy cập: 36,911